Tổng bí thư: TP.HCM cần đột phá về hạ tầng

23/09/2022

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu TP.HCM ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại.

Đây là một trong những yêu cầu được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và xây dựng Đảng, sáng ngày 23/9.

Theo Tổng bí thư, thành phố cũng cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị; chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn; phát triển đường vành đai, trên cao, các tuyến cao tốc, luồng tàu đường biển, đường sông, tạo kết nối thông suốt để phát huy tối đa các tiềm lực kinh tế của cả vùng và thành phố.

Thành phố cần sớm khắc phục tình trạng yếu kém về hạ tầng giao thông, có các giải pháp căn cơ hơn nữa để xử lý các vấn đề về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cấp, thoát nước, chống ngập; xử lý chất thải,…

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại TP HCM sau 4 năm.

Về kinh tế, Tổng bí thư cho rằng TP.HCM đã có sự phục hồi, phát triển ấn tượng khi vực dậy từ kết quả tăng trưởng âm năm 2021, đến tăng trưởng 3,82% trong 6 tháng đầu năm nay. Ông cũng biểu dương thành phố đã kiểm soát được đợt dịch “chưa từng có tiền lệ, không thể dự báo” nửa cuối năm ngoái và giữ sự ổn định đến nay.

Tuy nhiên, Tổng bí thư nhắc nhở thành phố còn chậm khắc phục những yếu kém, hạn chế mà Bộ Chính trị đã chỉ ra trong Nghị quyết 16/2012 về phương hướng, phát triển TP.HCM đến năm 2020. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của thành phố chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng của đầu tàu, động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây.

Lãnh đạo Đảng đề nghị thành phố nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn tiềm năng, lợi thế vượt trội, vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố trong phát triển đất nước nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cùng hệ thống chính trị cần nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kịp thời có những chính sách, biện pháp khắc phục. Những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Trung ương tháo gỡ, trong đó có cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn so với Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc, sáng 23/9.

Phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm

Tổng bí thư quán triệt việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù

Để tháo gỡ ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực hiện nay, Tổng Bí thư yêu cầu thành phố cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực và chất lượng công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối phù hợp với điều kiện cụ thể của thành phố,…

Về y tế, Tổng bí thư nhắc nhở TP.HCM cần coi trọng phát triển y tế dự phòng, giải quyết căn bản tình trạng “quá tải” các bệnh viện. Đặc biệt, thành phố phải động viên, chăm lo để đội ngũ cán bộ y, bác sĩ yên tâm công tác, làm việc, phục vụ tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe nhân dân với tinh thần và trách nhiệm cao hơn nữa.

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư nhắc nhở thành phố ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, hư hỏng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Giải quyết kịp thời các khiếu kiện của dân, không để xảy ra “điểm nóng”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi cán bộ chủ chốt của TP.HCM, sáng 23/9.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét các đề xuất cụ thể của thành phố theo chức năng, thẩm quyền, sớm làm việc trực tiếp với thành phố để giải quyết với tinh thần “TP.HCM vì cả nước và cả nước vì TP.HCM“.

Trước đó, báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Trung ương tiếp tục chọn thành phố là nơi thí điểm các vấn đề mới mà chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp. Thành phố cũng muốn được mở rộng phân cấp, phân quyền, đặc biệt trong hoàn thiện thể chế cho TP Thủ Đức.

Lãnh đạo thành phố đề xuất Trung ương ưu tiên nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch cấp quốc gia, tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54). Thành phố cũng mong muốn định kỳ hàng năm hoặc khi cần thiết, Trung ương làm việc với thành phố để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.

Dự kiến sau 9 tháng, tăng trưởng kinh tế tại TP.HCM đạt 9,71%, tổng thu ngân sách ước đạt trên 90% (350.000 tỷ đồng). Dù kinh tế tăng trưởng khả quan, Chủ tịch Phan Văn Mãi thừa nhận một số đề án, chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm tiến độ. Đại dịch Covid-19 cũng có thể khiến chỉ tiêu chung của nhiệm kỳ bị ảnh hưởng.

Xem thêm: Hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ sẽ hoàn thành cuối năm 2023.

Minh Châu

0/5 (0 Reviews)

Top
error: MUON COPY THI VAO DAY: https://beeland.com.vn/