Dự kiến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết hoàn thành cuối năm nay sẽ tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản, du lịch tại khu vực này.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài 99 km, mặt đường hơn 32m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư…
Tuyến cao tốc này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi hoàn thành, hành trình từ TP HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết – Mũi Né được rút ngắn một nửa, còn 2-2,5 tiếng. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết nằm trong 4 tuyến thuộc “Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017-2020” cùng với các đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn (98km) đến nay đã xong khoảng 94,5% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 10, đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45 (63,3km) hoàn thành 69,5% khối lượng, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết (hơn 100km), đạt hơn 50,1%, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây (99km), đạt 55,7% khối lượng công việc.
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải phát động thi đua nước rút “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” tính từ ngày 10/9 đến 31/12 dành cho 4 trục đường. Việc này tạo động lực để các nhà thầu tăng tốc đưa các tuyến này về đích đúng hạn.
Khi các tuyến đường đi vào hoạt động sẽ là “cú hích” lớn về giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho nhiều địa phương. Điều này tạo lực đẩy lớn giúp thị trường bất động sản kết hợp du lịch Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng trở nên sôi động hơn.
Nhiều chuyên gia dự báo đây sẽ là đòn bẩy, tác động đến tâm lý dịch chuyển của khách hàng và thu hút lượng khách du lịch lớn từ TP HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ tới Phan Thiết vui chơi, đầu tư. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo nên sự kết nối liền mạch, với khu vực phía Nam, góp phần tăng sức hút cho thị trường bất động sản và du lịch tại khu vực.
Song song đó, Bình Thuận đã thực hiện nhiều kế hoạch thu hút khách du lịch để tận dụng cơ hội này. Điển hình như kế hoạch đăng cai tổ chức “Năm du lịch quốc gia 2023”. Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là việc phối hợp với các địa phương như Ninh Thuận, Lâm Đồng, TP HCM để tổ chức một số hoạt động mang tính liên tỉnh, liên vùng nhằm tận dụng thế mạnh mới từ hạ tầng. Qua đó, Bình Thuận mang kỳ vọng sẽ phát triển bứt phá để sớm trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Xem thêm: Cuối năm nay, Việt Nam hoàn thành thêm 4 dự án cao tốc.
Ngọc Mai