Báo cáo mới đây của Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) lo ngại trước tình hình sụt giảm quy mô thị trường bất động sản thành phố, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích hơn 2ha, quy mô 924 căn hộ, giảm 84,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm giảm 82,2% so với cùng kỳ năm 2018.
6 tháng qua, thành phố cũng chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn, giảm 29,4% số dự án so với cùng kỳ. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8%, căn hộ bình dân giảm 34,7%.
Sự sụt giảm của thị trường bất động sản tác động đến nguồn thu ngân sách thành phố. Kết quả thu ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2019 chưa đạt 50% kế hoạch. Số thu tiền sử dụng đất trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh việc hạn chế nguồn cung, các doanh nghiệp bất động sản còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng khi Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực này.
Ngoài việc mở rộng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài hoặc tìm kiếm nguồn vốn trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp bất động sản đang lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung vốn.
Theo HoREA, trong 5 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lên đến 16.230 tỷ đồng, chiếm 27% tổng giá trị trái phiếu đã phát hành, đứng vị trí thứ hai. Thậm chí, có doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao lên đến 12-14,5%/năm, cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm.
Trước đó theo nghiên cứu về chỉ số nhà ở tại TP.HCM của Savills Việt Nam, tổng lượng giao dịch quý 1 giảm 37% theo quý và giảm 49% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường nhà ở TP.HCM cũng giảm 8 điểm phần trăm theo quý. Tất cả các phân khúc nhà ở từ bình dân đến trung cấp và cao cấp đều ghi nhận lượng giao dịch đi xuống.
Báo cáo về thị trường căn hộ TP.HCM quý 1 của hãng này cũng ghi nhận nguồn cung căn hộ sơ cấp đạt hơn 12.000 căn, giảm 34% theo quý và 57% theo năm.
Quý vừa qua thị trường cũng chứng kiến mức mở bán mới thấp nhất, chỉ hơn 4.500 căn hộ, giảm 38% theo quý và giảm 27% theo năm.
Savills giải thích sự sụt giảm về nguồn cung mới ngoài việc chủ đầu tư còn ít căn trong rổ hàng, thủ tục pháp lý bị trì hoãn cũng như chủ đầu tư thay đổi kế hoạch mở bán dẫn đến nguồn cung mới giới hạn.