Cao điểm mùa mưa bão đang tới gần, cùng thời điểm triều cường tại Nam Bộ vào mùa đạt đỉnh. Người dân thành phố đang đặt kỳ vọng rất lớn vào công trình ngăn triều thế kỷ có thể giúp họ ổn định cuộc sống, không còn cảnh thiệt hại tài sản do ngập nước.
Chiều 6/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp để gỡ vướng cho “Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng (giai đoạn 1)”. Đây là dự án trọng điểm của TP nhưng đã kéo dài 7 năm, tạm dừng ba lần vì nhiều nguyên nhân.
Nội dung chính
Người dân ngóng chờ những dự án chống ngập
Theo ghi nhận vào sáng 6/9, tại cống ngăn triều Tân Thuận (Quận 7), một trong sáu cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập này vẫn đang thi công, các hạng mục như cửa van ngăn triều đã được lắp đặt, âu thuyền nằm bên trái cửa van đã cơ bản hoàn thiện.
Cống kiểm soát triều có khẩu độ cống là 40m, âu thuyền nằm bên trái cửa van có khẩu độ là 15m. Các công trình phụ như nhà điều hành dự án, hệ thống điện, kè bảo vệ bờ đang dần hoàn thiện. Cống Tân Thuận theo thiết kế được thêm tám máy bơm công suất lớn nằm bên phải cửa van để bơm đẩy nước ra sông nhằm điều tiết mực nước khi mưa lớn kết hợp triều cường. Trên công trình cống, các công nhân gấp rút hoàn thành các dự án phụ, lắp đặt vỉa hè, tháo bỏ các tôn che để trả lại mỹ quan cho khu vực. Tuy nhiên, số lượng công nhân duy trì trên công trường không đông.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Trịnh Thị Mỹ (53 tuổi, sống trên đường Trần Xuân Soạn, Quận 7) cho biết khu vực này chỉ cần mỗi lần mưa lớn là nước không thoát kịp trào ngược lên gây ngập. Còn mỗi đợt triều cường thì không thể phân biệt đâu là đường, đâu là kênh.
Nhẹ thì ngập vài tiếng, hơn nữa thì phải qua hôm sau mới rút hết, tai nạn do nước ngập như cơm bữa. Nhiều hộ kinh doanh, buôn bán tại đây cũng không bán hàng được vì ngập thường xuyên khách cũng ngại dừng lại mua hàng
Bà Mỹ chia sẻ.
Đã tạm dừng thi công 3 lần
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 gồm bảy hạng mục với sáu cống ngăn triều và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn. Công trình này được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TP.HCM.
Trước đây dự án đã từng tạm dừng thi công ba lần: lần một từ ngày 27/4/2018 đến 12/02/2019, lần hai từ ngày 30/8/2019 đến 27/4/2020, lần ba từ ngày 15/11/2020 đến 6/02/2022. Việc dự án phải tạm dừng và kéo dài do hết hạn hợp đồng BT, hết thời gian giải ngân tái cấp vốn đã gây thiệt hại rất nhiều cho nhà đầu tư và các nhà thầu tham gia.
Trong văn bản của chủ đầu tư dự án cho biết đến nay dự án đã hoàn thành đạt hơn 93% khối lượng. Tuy nhiên, thời gian thực hiện dự án theo phụ lục hợp đồng BT ký ngày 18/11/2019 đã hết hạn 23 tháng tính từ ngày 26/6/2020. Từ khi Chính phủ ban hành nghị quyết số 40 năm 2021 để tiếp tục triển khai dự án đến nay, UBND TP.HCM vẫn chưa ký lại phụ lục hợp đồng BT với chủ đầu tư để tiếp tục triển khai hoàn thành dự án.
Còn ông Phan Xuân Hợi (61 tuổi, cũng sống trên đoạn đường này) cho hay khi nghe công trình khởi công và hiệu quả nó mang lại thì ai cũng mừng nhưng giờ trải qua mấy lần dừng rồi, mọi người mong cống sớm hoàn thiện để ổn định cuộc sống.
Chúng tôi đã ngán cảnh phải kê đồ đạc, chắn nước mỗi mùa thủy triều lên. Mấy hộ kinh doanh hầu như không mặn mà mở rộng, sửa sang nhà cửa để làm ăn, buôn bán vì ngập nước làm cho ế khách
Ông Hợi nói.
Cống Phú Định (Quận 8) – kiểm soát triều Phú Định nằm trên kênh Đôi ngăn triều từ hai con sông Vàm Cỏ Đông và Cần Giuộc đổ vào trung tâm TP.HCM, qua gần hai năm công trình cũng tạm ngừng thi công. Hàng chục lô cốt nằm ngổn ngang dọc hai bên khu vực công trình.
Khu vực nhà quản lý và một số hạng mục hai bên bờ kè vẫn chưa được hoàn thiện. Giàn giáo thi công, ván gỗ, đất đá để làm bờ kè hai bên bờ được tập kết rồi để đó. Máy bơm có dấu hiệu gỉ sét và rác thải xuất hiện tràn lan trên nắp máy bơm.
Tại công trình này, ngoài hai bảo vệ trực chốt ở đây thì những hạng mục khác đều vắng bóng công nhân thi công. Chị Thanh Lam, người dân khu vực, nói mong công trình làm lại cho xong vì đường Phú Định vốn đã nhỏ giờ còn bị rào lại làm chỉ đủ hai chiếc xe máy đi qua tránh nhau.
Sẽ ký phụ lục hợp đồng
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, trong cuộc họp giữa TP và các đơn vị liên quan về dự án vào chiều 6-9 đã bàn được một số nội dung. Trong đó, nếu tổ đàm phán và chủ đầu tư thống nhất được các điều khoản thì trình TP trước 15/9, TP sẽ ký phụ lục hợp đồng cho dự án. Đây là điều kiện để ngân hàng giải ngân tái cấp vốn TP cũng đề nghị các ngân hàng linh động về tái cấp vốn trong lúc chờ ký phụ lục hợp đồng, TP là khách hàng lớn nên sẽ đảm bảo việc thanh toán cho chủ đầu tư. TP cũng sẽ lập tổ công tác để thúc đẩy dự án này hoàn thành đúng hạn.
Đã có phương án điều chỉnh
Tin vui cho dự án này khi vào cuối tháng 7 vừa qua tổ đàm phán phụ lục hợp đồng BT vừa đưa ra phương án thanh toán quỹ đất để công trình về đích đúng hạn. Tổ đàm phán phụ lục hợp đồng BT dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng (gồm Sở Tài chính, Sở GTVT, Ban hạ tầng đô thị, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Trung tâm Phát triển quỹ đất và chủ đầu tư Công ty Trung Nam) đưa ra 2 phương án: (1) điều chỉnh thời gian thanh toán tiền, điều chỉnh quỹ đất sau, (2) điều chỉnh đồng thời thời gian thanh toán tiền, quỹ đất.
Qua đàm phán, chủ đầu tư cho rằng việc xác định quỹ đất thanh toán này là cơ sở để đơn vị và Ngân hàng BIDV thỏa thuận giải ngân vốn. Nếu điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT (nhưng đàm phán quỹ đất thanh toán sau) thì BIDV sẽ không đồng ý, dự án tiếp tục dừng lần 4, không biết ngày hoàn thành.
Do đó, tổ đàm phán đánh giá phương án điều chỉnh thời gian, quỹ đất cùng lúc có thể tạo sự đồng thuận giữa UBND TP.HCM, BIDV, nhà đầu tư để phụ lục hợp đồng BT có thể được ký kết. Sau cuộc họp, tổ đàm phán đã có văn bản kết luận về việc thay đổi quỹ đất thanh toán cho chủ đầu tư và đề xuất phương án điều chỉnh hợp đồng BT. Trước đây, quỹ đất thanh toán theo hợp đồng BT ký kết giữa chủ đầu tư và TP vào năm 2016 gồm bảy khu đất. Nay theo thỏa thuận mới thì điều chỉnh quỹ đất thanh toán sẽ còn năm khu đất, với tổng giá trị khoảng 1.600 tỉ đồng (giảm số khu đất nhưng tăng diện tích và giữ nguyên giá trị).
Gần đây nhất, tại buổi làm việc về tình hình kinh tế – xã hội 7 tháng đầu năm 2022, UBND TP.HCM cũng đã báo cáo Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về quỹ đất thanh toán hợp đồng BT dự án. Tại thông báo ngày 17/8, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẩn trương chỉ đạo xử lý kiến nghị của UBND TP liên quan quỹ đất thanh toán hợp đồng BT dự án.
Hiện nay, TP đang chờ ý kiến chấp thuận của Thủ tướng để thanh toán hợp đồng BT dự án theo đúng quy định. Theo đó, TP sẽ thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng.
Về phần Thành phố, UBND TP.HCM cam kết chuẩn bị đủ quỹ đất và bố trí đủ vốn để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng BT. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đàm phán phụ lục hợp đồng BT mới. Thành phố đang tập trung điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thanh toán kỳ đầu trả nợ theo tiến độ điều chỉnh.
UBND TP.HCM cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng BIDV chia sẻ, cùng TP tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Việc chia sẻ này thể hiện qua việc gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn và tiếp tục hỗ trợ cấp tín dụng, cho vay đối với dự án này.
Vướng ở cơ chế thanh toán cho các hợp đồng
Trở lại quá trình tháo gỡ “nút thắt” cuối cùng là phụ lục hợp đồng BT, vào tháng 4 năm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản báo cáo kết quả đàm phán phụ lục hợp đồng BT, kèm theo bản dự thảo phụ lục hợp đồng (đã đàm phán xong), các thành viên trong tổ đàm phán cũng đã ký và chỉ còn chờ UBND TP quyết định.
Tuy nhiên, ngày 10/6 UBND TP đã có văn bản yêu cầu đàm phán lại và trước mắt chỉ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án chứ chưa quyết định phương thức thanh toán. Việc này cũng khiến dự án chưa thể triển khai tiếp vì các ngân hàng không thể tiếp tục xem xét giải ngân cho dự án khi nguồn thanh toán không đảm bảo.
Tại buổi họp giao ban thường kỳ về dự án vào đầu năm 2022, lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu chủ đầu tư triển khai thi công trở lại và cam kết giải quyết pháp lý và ký phụ lục hợp đồng cho dự án này. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ tháng 5 đến nay công trình này hầu như không triển khai được gì thêm. Đến tháng 6 năm nay, Văn phòng UBND TP cũng có kết luận chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án chống ngập của TP vào vận hành, trong đó có dự án chống ngập trên vào năm 2023.
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư phải thực hiện theo trình tự quy định trong nghị định 69/2019 của Chính phủ về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư. Theo đó, TP.HCM phải xin ý kiến của các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương cho sử dụng quỹ đất đó để thanh toán cho nhà đầu tư, khi đó TP mới có thể ký phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư. TP.HCM cũng đã báo cáo và đang chờ ý kiến của Thủ tướng về việc này.
Giải thích cụ thể hơn, ông Tuấn cho biết phụ lục hợp đồng trước đây bảy khu đất, nhưng hiện nay chỉ có ba khu đất đủ điều kiện thanh toán, bốn khu đất còn lại cơ quan chức năng đang có ý kiến nên phải rút ra khỏi phụ lục hợp đồng. Đối với ba khu đất đủ điều kiện, TP.HCM đang chờ ý kiến của Thủ tướng.
Trao đổi thêm về các dự án BT trên địa bàn TP, ông Tuấn cho biết trước đây cơ chế thanh toán cho các dự án này chưa được quy định rõ. Theo quy định mới hiện nay phải xin ý kiến Thủ tướng về chủ trương để ký phụ lục hợp đồng thanh toán. Luật sư Nguyễn Tiến Lập – thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – cho rằng nguyên tắc pháp luật không hồi tố, nếu hợp đồng BT cũ chỉ điều chỉnh một số vấn đề (theo dạng ký phụ lục) nhưng không thay đổi các nội dung chính thì chính quyền vẫn có thể sớm đàm phán để ký phụ lục với nhà đầu tư.
Nếu có vướng mắc về thủ tục, trách nhiệm của UBND TP.HCM phải nhanh chóng báo cáo xin ý kiến bộ, ngành để thực hiện. Để các dự án sớm triển khai cần sự hỗ trợ sớm từ bộ, ngành và các cấp cao hơn để địa phương có cơ sở triển khai đàm phán và tiếp tục thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư.
Xem thêm: Nghiên cứu phương án mở rộng các tuyến cao tốc.
Bảo Ngọc